“Bóc trần” những mánh khoé moi tiền của thợ sửa điều hoà

Hà Nội bước vào đợt nắng nóng đỉnh điểm nên dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa điều hòa cũng sôi động theo, nhiều cửa hàng và trung tâm sửa chữa điện lạnh hoạt động hết công suất. Không chỉ dồn dập các đơn hàng lắp đặt mới, lượng khách yêu cầu sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa cũ cũng tăng cao đột biến. Đây cũng chính là “mùa vụ” làm ăn của cánh thợ sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa trên địa bàn. Cùng Long Bình Plaza ghi nhận thực tế, tìm hiểu những mánh khóe của thợ sửa điều hòa để chặt chém những khách hàng không hiểu rõ về điện lạnh.

MÁNH KHOÉ THỢ SỬA ĐIỀU HOÀ

1, “Bịa” lý do hỏng hóc

Nếu chỉ bảo dưỡng, vệ sinh điều hòa, thợ điện lạnh sẽ không “móc” được túi khách hàng, vì thế họ cần phải biện lý do hỏng hóc để kiếm chác.

Một trong những tuyệt chiêu “móc túi” khách hàng của thợ sửa chữa điều hòa không ngay thẳng là bắt “bệnh” hết sạch gas hoặc hỏng tụ, hỏng lốc máy trong khi máy điều hòa không làm mát được có thể chỉ là do lỗi vi mạch. Tất nhiên, chi phí sửa vi mạch rẻ hơn rất nhiều so với thay linh kiện, thay tụ, thay lốc máy. Còn với các trường hợp cần nạp gas, hầu hết khi thuê thợ sửa chữa trôi nổi trên thị trường, khách hàng thường bị những thợ này yêu cầu phải trả số tiền tương đương với việc nạp đầy gas, trong khi chỉ cần sạc thêm ít gas là đủ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, thợ sửa chữa sẽ đút túi một khoản tiền không nhỏ, thông thường từ 100-200 ngàn đồng đối với loại gas R22 và từ 400-600 ngàn đồng đối với loại gas R410A cho một lần nạp.

Do đó,để tránh mánh khóe của thợ sửa điều hòa khi báo điều hòa hết gas, bạn nên chú ý kiểm tra những điểm sau: Nếu bị xì hết gas hoặc nếu bị thiếu gas thì máy sẽ kém lạnh, có hiện tượng bám tuyết ngay van ống nhỏ của dàn nóng. Trong một số máy điều hòa đời mới, khi bị thiếu gas board điều khiển sẽ tự động tắt máy sau khoảng 5-10 phút và báo lỗi trên dàn lạnh.

2, Tránh sự giám sát của chủ nhà

Một vài người thợ thường đến muộn hơn so với lịch hẹn này nhằm tạo tâm lý sốt ruột và vội vàng cho chủ nhà để thợ sửa điều hòa dễ bề thực hiện các hành vi gian lận. Trong quá trình sửa chữa, họ có thể sẽ yêu cầu chủ nhà đi lấy cho họ một số thứ gì đó để phục vụ việc thay, sửa chữa, kiểm tra điều hòa inverter. Bởi vậy, mọi người đừng bất cẩn cho thợ sửa điều hòa có cơ hội tận dụng thời gian mình vắng mặt để giả vờ đã thay thế sửa chữa nhưng thực chất là chưa.

3, Chặt chém phụ kiện, ăn chênh giá

Mua giá thấp, linh kiện dởm nhưng khi lắp đặt lại nói giá cao nhằm ăn tiền chênh lệch cũng là một mánh lời của thợ. Ví dụ khi thay tụ điều hoà, thợ có thể lấy tới 300- 400.000 đồng bao gồm 150.000 đồng tiền công thay và 250.000 đồng mua tụ. Nhưng thực tế, giá cái tụ này chỉ bán khoảng 30.000 đồng, và có thể tìm mua dễ dàng ở các cửa hàng linh kiện. Vì vậy, để không bị “mắc bẫy”, hãy tham khảo giá mặc cả rõ với thợ trước khi thay thế hoặc yêu cầu công ty sửa chữa cung cấp bảng giá cho mình.

4, Bơm thiếu gas cho máy

Gas điều hòa sẽ còn hoặc hết sạch chứ không thiếu mà cần phải nạp thêm như nhiều thợ giải thích. Khi điều hòa hết gas, thợ sửa cần tìm ra chỗ bị rò rỉ để xử lý sau đó mới nạp đầy gas mới vào.

Thông thường quá trình bơm gas cho điều hòa mất khoảng thời gian là 10 phút. Khi thợ nạp xong gas sẽ dùng mỏ hàn lại dây đồng.

Lúc này, bạn cần để ý sát sao nếu không thợ sẽ làm cẩu thả và một thời gian sau máy lại bị hở gas và lại tốn tiền thêm lần nữa.

5, Đề nghị đem về sửa

Nhiều thợ đề nghị được đem máy hoặc bộ phận hỏng về công ty để kiểm tra. Ví dụ thợ sẽ báo là tấm vi mạch bị hỏng, cần mang về kiểm tra và đưa ra 2 tình huống, nếu nạp nguồn xong vi mạch còn chạy thì chỉ mất công sửa, nhưng nếu vi mạch không lên được thì phải thay thế. Tuy nhiên, với chiêu này, nhiều thợ không chỉ moi thêm tiền của khách mà còn đổi bộ nguồn kém chất lượng hoặc lấy mất tụ cảm biến… Vì thế, ngoài việc chọn đơn vị tin cậy còn cần theo dõi, nắm sát lỗi và kết quả sửa chữa.

Bình luận trên Facebook