Thiết kế “độc, lạ” sẽ là tâm điểm của cuộc chiến trên thị trường tivi

Thị trường tivi đang ngày càng chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt từ các nhà sản xuất. Không dừng lại ở việc cải tiến chất lượng về độ phân giải hay kích thước màn hình, các hãng còn cho ra mắt nhiều sản phẩm tivi có thiết kế độc đáo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng.

Cuộc đua về thiết kế và công nghệ trên thị trường tivi

Đến nay, trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, thị trường tivi đã chứng kiến nhiều màn lột xác ngoạn mục về thiết kế cũng như công nghệ, cuộc chiến khốc liệt giữa các nhà sản xuất luôn là đề tài được người dùng và báo giới quan tâm trong thời gian qua.

 

tivi đời đầu

 

Chiếc tivi đầu tiên được thiết kế với hai màu đen trắng và có kích thước đồ sộ. Tiếp sau đó, những chiếc tivi màu ra đời, các nhà sản xuất đã sử dụng màn hình đèn điện tử chân không (CRT) cho những chiếc tivi của mình. Các thiết bị này có thiết kế khá thô và dày, màn hình bị cong (lồi) và chất lượng hiển thị chỉ ở mức xem được.

Khi tivi màn hình LCD ra mắt, phiên bản tiền nhiệm đã nhanh chóng bị “xóa sổ”. Với việc tối ưu độ dày của tivi, màn hình LCD được các nhà sản xuất ưu tiên lựa chọn, giúp tiết kiệm được không gian trong nhà cũng như tăng cường tính thẩm mỹ, là tiền đề của sự phát triển của ngành công nghiệp tivi hiện nay.

Những năm tiếp theo, công nghệ màn hình đã thực sự tạo ra một cuộc chiến mới trên thị trường tivi, các hãng đã bắt đầu sử dụng những công nghệ màn hình như Quantum dot hay OLED thay thế cho các mẫu LCD truyền thống.

Tuy nhiên nhược điểm của các công nghệ mới là còn khá non trẻ và chưa thể sản xuất hàng loạt, đồng nghĩa với chi phí cũng khá đắt đỏ.

Vào năm 2017, tại sự kiện triển lãm điện tử tiêu dùng CES, ông lớn Samsung đã trình làng công nghệ QLED với Quantum dot thế hệ thứ 3 với nhiều cải tiến, được áp dụng trên dòng sản phẩm TV cao cấp của Samsung. Vào thời điểm đó, QLED đã tạo nên một “cơn bão” khá lớn, được nhiều người quan tâm. Đây được xem là công nghệ duy nhất đủ sức cạnh tranh và đánh bại công nghệ OLED hiện tại.

 

qled tv

 

Chưa dừng lại ở đó, các hãng tivi luôn không ngừng tìm cách tối ưu và tăng cường chất lượng hiển thị của màn hình. Bằng chứng là hàng loạt các công nghệ hình ảnh tiên tiến nối tiếp nhau ra đời, có thể kể tới như HDR10, HDR10+, Dolby Vision, song song với đó là sự phát triển không ngừng của độ phân giải, từ HD, Full HD, rồi tới 4 và giờ đây đã chạm ngưỡng 8K.

Ngoài ra, thị trường tivi còn chứng kiến sự “tăng trưởng” của kích thước màn hình tivi. Viền của thiết bị này được tinh gọn ngày càng mỏng, kích thước tối đa ngày càng được nâng cao nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng. Thậm chí trong năm 2019, Samsung đã ra mắt mẫu tivi QLED với kích thước lên đến 98 inch.

Bên cạnh chất lượng hiển thị, công nghệ âm thanh trên tivi cũng là một khía cạnh được các nhà sản xuất chú trọng phát triển, từ những thiết bị vô tuyến phát ra âm thanh chỉ ở mức chấp nhận được, giờ đây âm thanh trên tivi đã được “lột xác” hoàn toàn, có thể mang đến trải nghiệm như trong rạp chiếu phim.

 

Thiết kế "độc, lạ" sẽ là tâm điểm của cuộc chiến trên thị trường tivi 3

 

Trở về quá khứ, nhìn vào các mẫu TV CRT cồng kềnh, ít ai có thể nghĩ rằng tivi lại được tối ưu để có thể đặt và gắn ở nhiều vị trí các nhau như hiện tại. Hầu hết TV màn hình phẳng hiện nay đều cần đến chân đế hay giá treo. Tuy nhiên, cuộc đua “mỏng hóa” đã dẫn đến sự ra đời của những concept tivi siêu mỏng.

Vào năm 2015, với lợi thế công nghệ màn hình OLED, LG đã tạo ra bản concept chiếc TV siêu mỏng có thể dán được trên tường với kích thước màn hình lên đến 55 inch nhưng chỉ nặng 1.9 kg. Người dùng có thể đính chiếc TV lên tường thông qua chiếc đế tích hợp nam châm, giải quyết cho nhu cầu sử dụng tivi trong không gian nhỏ nhưng vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ và chất lượng trải nghiệm.

Cuộc chiến chuyển hướng, thị trường tivi xuất hiện nhiều thiết bị “độc, lạ”

Mặc dù cuộc chiến về công nghệ trên tivi vẫn chưa đi đến mức bão hòa, tuy nhiên các nhà sản xuất đã mở ra một “ván đấu” mới, cuộc chiến về thiết kế độc, lạ. Cả hai xu hướng này đang diễn ra song song, và kết quả là hàng loạt

các mẫu tivi độc đáo được ra mắt.

Một trong những kẻ “nhen nhóm” cho cuộc chiến này chính là gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc, LG. Tại sự kiện CES 2016, LG đã tạo ra cơn sốt lớn khi giới thiệu mẫu TV màn hình dẻo 18 inch có thể cuộn tròn như một tờ báo, công nghệ được hãng ấp ủ và bắt đầu phát triển từ năm 2014. Ở thị trường màn hình dẻo, LG vẫn chưa thể tìm ra một đối thủ xứng tầm.

Cũng tại sự kiện này, LG đã mang đến một concept tivi vô cùng táo bạo với hai màn hình ở hai mặt, độ mỏng chỉ 4.9 mm. Thiết kế này phù hợp cho những trường hợp dành cho nhiều người cùng xem mà không chiếm dụng nhiều không gian như những màn hình lớn thông thường.

 

Thiết kế "độc, lạ" sẽ là tâm điểm của cuộc chiến trên thị trường tivi 4

 

Tiếp đến vào năm 2018, hãng đã trình làng nguyên mẫu của chiếc TV Signature màn hình cuộn lên đến 65 inch và tại sự kiện CES 2019 diễn ra vào đầu năm nay, LG chính thức ra mắt sản phẩm này với nhiều tinh chỉnh và nâng cấp so với nguyên mẫu.

Mẫu tivi này có màn hình OLED 4K có đế hình hộp chứa màn hình khi cuộn lại, được bổ sung thêm loa Dolby Atmos 100 watt, cung cấp trải nghiệm âm thanh tích hợp tuyệt vời.

Khi chịu thua kém đối thủ, “người đồng hương” Samsung cũng tạo ra những thiết kế tivi độc đáo của riêng mình. Tại CES 2019, hãng đã trình làng mẫu tivi microLED có thể tháo lắp theo dạng module, không viền màn hình, cho phép tăng, giảm kích thước hiển thị theo nhu cầu sử dụng. Thiết bị này đã thực sự tạo ra một dấu ấn khó quên trong làng công nghệ đầu năm nay.

Ngoài ra mới đây, tại một cửa hàng ở Seoul, Samung đã giới thiệu một chiếc tivi màn hình QLED 43 inch nhưng lại theo chiều thẳng đứng nhưng cho phép người dùng xoay ngang chiếc tivi như thông thường. Đối tượng khách hàng mà Samsung muốn hướng tới với sản phẩm này là những người quay video dọc trên các trang mạng xã hội.

Một nhà sản xuất khác cũng “tham chiến” trong cuộc đua này chính là Panasonic. Tại hội nghị thiết kế Salone del Mobile ở Milan, hãng đã ra mắt tivi màn hình OLED trong suốt, với khung viền bằng gỗ. Chiếc tivi có màn hình trong suốt như hòa vào không gian sống, nhưng khi thiết bị được bật, nó biến thành tivi màn hình OLED sống động.

 

Thiết kế "độc, lạ" sẽ là tâm điểm của cuộc chiến trên thị trường tivi 7

 

Có thể thấy “mảnh đất” mà thị trường tivi còn có thể khai thác được rất lớn, và các hãng đang chọn cách tạo ra các thiết kế táo bạo để tạo ra lợi thế cạnh tranh, hòng chiếm lĩnh thị trường.

Tạm kết: Liệu thị trường tivi sẽ đi về đâu?

Nhìn nhận một cách tổng quát, có vẻ như thị trường tivi đang đi theo vết xe của ngành công nghiệp smartphone. Từ cuộc chiến về màn hình, công nghệ, các nhà sản xuất smartphone giờ đang rẽ sang một chiến trường mới về thiết kế, với hàng loạt các thiết kế tràn viền như “tai thỏ”, “nốt ruồi”, màn hình trượt, màn hình kép, camera pop-up.

Tương tự, cái cách mà thị trường tivi đang theo đuổi cũng là phát triển các thiết kế mới và độc đáo, và cuộc chiến này dự kiến sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm tới. Bên cạnh đó, 5G cũng là công nghệ hứa hẹn sẽ tạo nên bước đột phá mới trong cả làng công nghệ, bao gồm cả smartphone và tivi.

 

Thiết kế "độc, lạ" sẽ là tâm điểm của cuộc chiến trên thị trường tivi 8

 

Cách đây vài ngày, các tin đồn xuất hiện cho rằng Huawei đang phát triển một mẫu tivi 8K được trang bị công nghệ 5G và dự kiến ra mắt vào cuối năm nay, đánh dấu bước xâm nhập của hãng vào làng tivi. Với sự tham gia của cái tên này, thị trường tivi có thể sẽ cạnh tranh gay gắt vào tạo ra nhiều bất ngờ và đột phá hơn trong tương lai.

Bình luận trên Facebook